Uber đã phải chấp nhận thất bại và bán mảng kinh doanh của mình tại Trung Quốc cho đối thủ chỉ sau 1 năm tiến vào thị trường này.
Chỉ một năm trước, CEO Travis Kalanick của Uber còn tuyên bố rằng Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất của của hãng. Giờ thì Uber đã giương cờ trắng đầu hàng.
Theo đó, Uber sẽ gia nhập một danh sách ngày càng dài các công ty Mỹ gục ngã tại thị trường Internet lớn nhất thế giới, từ Yahoo và Amazon cho tới Ebay và Microsoft. Theo Bloomberg, Didi Chuxing sẽ mua lại mảng kinh doanh ở Trung Quốc của Uber để tạo nên một công ty có trị giá 35 tỷ USD. Uber và các nhà đầu tư của mình sẽ nắm giữ khoảng 20% cổ phần trong công ty mới.
Thương vụ sáp nhập trên là cái kết của cuộc chiến một mất một còn giữa hai công ty gọi xe lớn nhất thế giới. Sau hơn một năm đụng độ nảy lửa trên truyền thông và trên những con đường bụi bặm của hàng trăm thành phố, Uber đã phải bán mình cho Didi. Trong cuộc chiến này, cả hai đã phải hao tốn không biết bao nhiêu tiền bạc cho các chương trình trợ giá. Trong đó, Uber mất tới 2 tỷ USD. Hoảng sợ vì mất quá nhiều tiền mà vẫn không thu được kết quả, các nhà đầu tư đã kêu gọi Uber "đình chiến".
Didi đã chứng minh mình là đối thủ quá mạnh và có "quan hệ" quá tốt, khiến Uber không thể bắt kịp. Uber đã giương cờ trắng chỉ vài ngày sau khi Trung Quốc ra luật cấm các công ty thu giá cước thấp hơn chi phí của chuyến đi. Động thái này của chính phủ Trung Quốc coi như đã tước đi vũ khí lợi hại nhất của Uber là khả năng trợ giá.
Didi chính thức bước vào cuộc chiến với Uber kể từ khi được thành lập vào cuối năm ngoái, thông qua sáp nhập hai start-up được đỡ đầu bởi Tencent và Alibaba, những công ty Internet hùng mạnh nhất Trung Quốc.
Chính Didi đã bắn loạt đạn mở màn trước. Vào tháng 5 năm ngoái, Didi tuyên bố bỏ ra 1 tỷ nhân dân tệ (150 triệu USD) để kích cầu thị trường với các chuyến đi miễn phí. Uber cũng không vừa khi ngay lập tức đáp lại bằng các chương trình trợ giá của mình. CEO của Uber, Kalanick đã kêu gọi các nhà đầu tư không nao núng. Tháng 6, ông đã đích thân viết một bức thư gửi các nhà đầu tư, cam kết sẽ đầu tư 1 tỷ USD vào thị trường Trung Quốc chỉ riêng trong năm 2015.
Trong suốt mùa hè năm ngoái, hai bên đã chạy đua để nạp thêm "đạn dược" cho cuộc chiến này. Uber đã gọi được số vốn trị giá 1,4 tỷ USD, trong đó có tiền của gã khổng lồ tìm kiếm của Trung Quốc, Baidu. Trong khi đó, Didi còn nhận được nhiều tiền đầu tư hơn, với khoảng 3 tỷ USD từ Alibaba, Tencent, SoftBank và Ping An Insurance. Cuộc đua trợ giá đã lớn đến nỗi trở thành miếng mồi béo bở cho nhiều kẻ lừa đảo. Những kẻ này tìm cách để moi tiền từ Didi và Uber bẳng các lệnh đặt xe giả mà không thực hiện chuyến đi.
Nhưng Didi tỏ ra sáng tạo hơn và có "quan hệ" tốt hơn. Một bước ngoặt bất thường đã xảy ra khi các bên thứ ba bắt đầu lâm trận. Tháng 8 năm ngoái, Uber phàn nàn rằng họ đã bị chặn bởi WeChat, dịch vụ nhắn tin phổ biến nhất Trung Quốc do nhà đầu tư của Didi, Tencent sở hữu. Chưa hết, sau đó Didi còn chiêu nạp các đồng minh, thành lập một liên minh gồm bốn công ty gọi xe để đối chọi với Uber. Liên minh này gồm Lyft ở Mỹ, Grab ở Đông Nam Á và Ola ở Ấn Độ.
Sau màn so kè quyết liệt, cuối cùng Didi đã chiếm được thế thượng phong vào đầu năm nay. Chủ tịch của Didi, Jean Liu đã quyết định tung đòn nốc ao. Didi bắt đầu gọi thêm vốn và các lãnh đạo của hãng này công khai tuyên bố chiến thắng. "Chúng tôi sẽ là người cuối cùng còn đứng vững", Stephen Zhu, phó chủ tịch phụ trách chiến lược của Didi nói trong một bài phát biểu hồi tháng 4.
Cuối cùng, Didi đã chứng tỏ mình quá mạnh so với Uber. Đằng sau Didi là chính phủ Trung Quốc, các tập đoàn lớn nhất nước này và thậm chí cả Apple. (Apple đã đầu tư 1 tỷ USD vào Didi). Công ty 4 năm tuổi này hiện nay điều hành 11 triệu chuyến đi một ngày, phục vụ khoảng 300 triệu người dùng ở 400 thành phố của Trung Quốc.
Câu hỏi bây giờ là Uber sẽ làm gì tiếp theo. Liệu hãng này có tăng cường tấn công sang Ấn Độ và Đông Nam Á để đối phó với Ola và Grab, những công ty đang xưng bá trong lãnh địa của mình? Cả hai thị trường vẫn còn rộng mở và Uber cần có vị thế vững chắc ở Châu Á để duy trì tăng trưởng.
Dù đã bị mua lại, Uber vẫn có chỗ đứng ở Trung Quốc thông qua cổ phần ở Didi. Bằng cách cắt khoản lỗ ở Trung Quốc khi bán mình cho Didi, Uber muốn mở đường để phát hành cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Theo thỏa thuận của vụ sáp nhập, Kalanick sẽ gia nhập hội đồng quản trị của Didi và kiếm được một chân trong công ty thống trị thị trường gọi xe lớn nhất thế giới. "Vì thế, đừng bao giờ loại bỏ Uber khỏi cuộc chơi, ít nhất là trên đấu trường toàn cầu", CEO Andy Mok của Red Pagoda Resources ở Bắc Kinh kết luận.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)